Thư cảnh báo

Thứ 5, ngày 9 tháng 4 năm 2020

 

Bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức.

Hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, giết, mua bán, tàng trữ hoặc vận chuyển động vật hoang dã (“ĐVHD”) là bất hợp pháp, tiếp tay cho các đối tượng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép, đồng thời đe dọa đến sự sống còn của các loài ĐVHD trong tự nhiên. Quảng cáo và buôn bán ĐVHD không có giấy phép là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Tài khoản mạng xã hội của Ông/Bà đã được người dân thông báo tới tới Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (“ENV”). Hành vi vi phạm của Ông/Bà đã được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu các vi phạm về ĐVHD trên toàn quốc kể từ ngày ENV nhận được thông báo từ người dân.

ENV đề nghị Ông/Bà chấm dứt hành vi quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD bất hợp pháp và ngay lập tức gỡ bỏ đường dẫn quảng cáo.

Nếu phát hiện Ông/Bà tiếp tục có bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào liên quan đến ĐVHD, ENV sẽ ngay lập tức thông báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để các cơ quan này có những biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định hiện hành của pháp luật.

Sau đây là một số quy định pháp luật về xử lý các hành vi quảng cáo, buôn bán, tàng trữ ĐVHD trái phép:

  • Đối với các loài ĐVHD được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, hành vi săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt, tàng trữ trái phép các loài này và các sản phẩm, bộ phận của chúng đều bị pháp luật nghiêm cấm. Đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù lên đến 15 năm, phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng (đối với cá nhân) hoặc phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến 3 năm (đối với pháp nhân thương mại) theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 ("BLHS 2017").
  • Đối với các loài ĐVHD được liệt kê trong Nhóm IB Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và/hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (“CITES”), hành vi săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt, tàng trữ trái phép các loài này và các sản phẩm, bộ phận của chúng đều bị pháp luật nghiêm cấm. Đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù lên đến 15 năm, phạt tiền đến 3 tỷ đồng (đối với cá nhân) hoặc phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến 3 năm (đối với pháp nhân thương mại) theo Điều 190, Điều 191, Điều 244 BLHS hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 800 triệu đồng (đối với tổ chức) theo Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 35 tùy theo số lượng cá thể, giá trị tang vật hoặc số tiền thu lợi bất chính.
  • Đối với các loài ĐVHD được liệt kê trong Nhóm IIB Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và/hoặc Phụ lục II CITES và các loài động vật rừng thông thường khác, hành vi săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt, tàng trữ trái phép các loài này và các sản phẩm, bộ phận của chúng đều phải đáp ứng các quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm, đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù lên đến 12 năm, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tiền đến 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân) hoặc phạt tiền đến 6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến 3 năm (đối với pháp nhân thương mại) theo Điều 234 BLHS hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc phạt tiền đến 600 triệu đồng (đối với tổ chức) theo Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP tùy theo giá trị tang vật, số tiền thu lợi bất chính.
  • Riêng hành vi quảng cáo các loài ĐVHD bị cấm được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nhóm IB Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; Phụ lục I CITES sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc từ 140 triệu đồng đến 200 triệu đồng (đối với tổ chức) theo Điều 50 Nghị định 158/2013/ND-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
  • Trường hợp quảng cáo kinh doanh các loài động vật rừng khác trái quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 2 triệu đến 3 triệu (đối với tổ chức) theo Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.
  • ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp: là những cá thể ĐVHD có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. Bất kì cá nhân hay tổ chức nào thực hiện các hành vi nói trên mà không xuất trình được đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD đều bị coi là vi phạm pháp luật.

ENV trân trọng cảm ơn Ông/Bà về sự hợp tác và tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD của Việt Nam.

 

Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522