Người Việt điều tra về thảm sát tê giác (2): “Gáo nước lạnh” dội xuống từ… mặt trăng!

admin


 

Giữa bối cảnh ấy, đi thêm vài chục cây số vào trụ sở của Vườn Quốc gia Kruger, giáp biên giới Mozambique, chúng tôi đã vướng ngay phải một nỗi buồn.

Hươu cao cổ đi ngang đường, voi châu Phi tai to như cái mâm, ngà nhọn như kiếm Nhật dắt đàn dắt lũ sang đường mà không cần tín hiệu cảnh báo trước, chúng khiến các xe thời thượng như Audi, rồi BMW phải lù lù dừng lại, nhẫn nại chờ đợi. Tránh voi chả xấu mặt nào. 

Đang vui thì ngài Johan Jooste - đại tá phụ trách bảo vệ rừng và hoang thú của Kruger - thân thiện dội cho chúng tôi một “gáo nước lạnh”. Một cái tin buồn bã: Thi thể con tê giác thứ 397 bị săn trộm trong năm 2013 của vườn vừa mới được phát hiện. Nó chết đã vài hôm. Sừng bị chặt bằng những nhát rìu khó nhọc. Xác tê giác đang thối um trong rừng già rất rất xa, linh cẩu, kền kền rồi dã thú các loại đang ăn thịt con vật khổng lồ đó. 

Cuộc gặp nào, người ta cũng nhắc tới các đối tượng là người Việt Nam “kích cầu”, xúi giục săn bắn, giết hại và buôn bán sừng tê giác. Hôm nay, ngài đại tá cũng không là ngoại lệ. Ông vỗ vai người viết bài này: “Tôi rất xúc động khi thấy nghị sĩ quốc hội, công an, rồi cả nhà báo và nghệ sĩ Việt Nam sang đây để cùng bàn thảo kế hoạch bảo vệ tê giác cho chúng tôi, cho địa cầu này. Nhà báo về nói với những người đang sở hữu, sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, là dùng thứ đắt hơn vàng đó là độc ác và mù quáng, độc ác với nỗ lực bảo tồn của nhân loại tiến bộ, mù quáng vì sừng tê giác chẳng có tác dụng gì cho sức khỏe đâu”.

Trước đó, thông tin từ Andew Paterson - Giám đốc Quỹ Rhinose Foudation (Quỹ Bảo tồn tê giác) của Nam Phi - cho biết, muốn đến hiện trường bọn săn trộm tê giác hoành hoành, phải đi máy bay trực thăng, vì xa lắm, ôtô không đi nổi. Ông đại tá Johan Jooste giải thích: Các vị cần hiểu, bảo vệ tê giác, chiến đấu với bọn săn trộm có vũ khí tối tân, được huấn luyện bài bản bởi “những kẻ đứng sau” rất cam go. Có nhiều người đã đổ máu, đã nằm xuống vĩnh viễn với rừng Kruger.

Đây là một Cuộc Chiến Tranh Tê Giác, chứ không phải là hoạt động bảo vệ rừng như kiểm lâm ở các quốc gia khác vẫn làm nữa. Cuộc chiến tranh này không cho phép chúng tôi chậm trễ. Bởi khi tôi đang ngồi bàn thảo với các vị đây, thì mỗi ngày vẫn có ít nhất 2,4 con tê giác ở Nam Phi bị giết hại. Vườn chúng tôi cũng có ít nhất gần 2 con tê giác bị vĩnh viễn lìa rừng vì đạn, rìu, cưa máy cắt sừng của thợ săn trộm.

Nên nhớ, Nam Phi sở hữu tới hơn 90% số lượng tê giác của toàn bộ trái đất này. Nên nhớ, vườn chúng tôi trải dài trên hai tỉnh Mpumalanga và Limpop, rộng tới 200.000km2, rộng tới 2 triệu hécta. Rộng nhất Nam Phi, với hệ thống “tường rào” bảo vệ lớn nhất thế giới! Thế là rộng gấp 100 lần Vườn quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam - tôi nhẩm tính. Ngài đại tá nói tiếp: Vì thế nên chúng tôi phải đi tuần bằng máy bay trực thăng. Độ này vườn chỉ còn 2 cái máy bay, một màu vàng, một màu xanh. Nếu hôm nay cần đi bắt bọn săn trộm, thì có nghĩa là các vị phải ở nhà, đi ôtô đặc chủng tuần tra rừng thôi.

 

Đêm bịt bùng, đường vào rừng già bụi bặm đến mức nhiều người trong đoàn chúng tôi vốn đang bị cái gió hanh hao khô khốc của thảo nguyên rồi sa mạc hành hạ… nay, đồng loạt chảy máu cam. Vạt áo tôi ướt máu. Gai rừng Nam Phi sắc nhọn và to như một mũi chông. Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Công an Hà Nội - lẩm bẩm: Phải gai to thế này thì mới sống sót được trước nhiều nghìn con tê giác, voi, hươu, nai, ngựa vằn… với những cái dạ dày ăn cỏ lá rất tạp và rất khổng lồ kia chứ.

Đoàn xe dừng lại, những người da đen nhoáy nở nụ cười trắng lốp trước đèn máy ảnh của tôi. Chao ôi, một bữa tiệc babecue (thịt nướng) giữa rừng châu Phi mịt mùng đêm bủa. Trăng lên trong vắt, tròn vành vạnh. Không ai bảo ai, tất cả đều lịm đi trong cảm giác êm đềm, trong mùi thơm hoa cỏ quyện lẫn mùi tinh khôi và phàm trần của những đùi gà, đùi cừu, đùi lợn quay tròn nguyên chiếc trên than hồng được chăm bẵm kỹ càng bởi những người da đen mẫn cán nhất.

Thế rồi lại một “gáo nước lạnh” nữa nhờ “bàn tay” thân thiện nhất của ông James Stevenson Hamilton - một lão tướng dũng mãnh khét tiếng trong cuộc chiến bảo vệ rừng Kruger - dội vào đầu, làm buốt vào tận óc mỗi chúng tôi: “Các bạn từ Việt Nam đến, thì tê giác Nam Phi có thêm những người bạn mới bảo vệ mình. Bạn đến từ thị trường tiêu thụ tê giác rất rất nóng, từ “thị trường cuối cùng” của các sản phẩm, sừng tê giác. 

Đêm nay trăng sáng quá. 45 năm tôi làm kiểm lâm ở vườn này rồi, mọi năm trăng sáng chúng tôi đều rất vui mừng ra ngắm cảnh rừng và muông thú sum vầy. Còn bây giờ, trăng sáng chúng tôi sợ lắm. Bởi trăng sáng thì thợ săn hoạt động nhiều. 56% số người châu Á bị bắt giữ vì liên quan đến hoạt động trái phép săn bắn, vận chuyển, buôn bán sừng tê giác gần đây là… người Việt Nam”. 

Ánh trăng Châu Phi tròn hơn hay méo hơn trăng Việt Nam? Chịu. Chỉ biết là ánh trăng nơi này cũng làm vị kiểm lâm khả kính râu bạc tai nghễnh ngãng vì 45 năm dốc cạn mình cho nghề rừng kia đau đớn. Đau đớn, ông lại nhắc đến quê hương của không ít những kẻ mờ mắt vì tiền rồi trực tiếp hay gián tiếp giết hại tê giác của Nam Phi và của thế giới... (còn tiếp)

Theo Doãn Hoàng - Báo Lao Động

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522