Huế và Hồ Chí Minh đi đầu trong nỗ lực xử lý vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã trong giai đoạn 2017-2018

admin

Hà Nội, 25 tháng 4 năm 2019 – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa hoàn thành “Báo cáo đánh giá hiệu quả xử lý các vi phạm về ĐVHD (2017 - 2018)” tại 6 địa phương bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa và Cần Thơ. Theo kết quả cuộc khảo sát, Huế là tỉnh dẫn đầu và xuất sắc nhất trong công tác xử lý vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) với 100% các vụ vi phạm phát hiện qua chiến dịch khảo sát của ENV được xử lý thành công. Kết quả tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vượt trội so với kết quả đạt được trong các giai đoạn trước đó, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về tiêu thụ ĐVHD đạt 82%. Tỷ lệ này ở Hà Nội là 65%. Bà Rịa-Vũng Tàu và Khánh Hòa cũng đã đạt tỷ lệ khá tích cực khi lần đầu tiên khảo sát về tiêu thụ ĐVHD được thực hiện tại hai địa phương này với tỷ lệ vi phạm được xử lý thành công đạt từ 60% trở lên. Đáng tiếc, thành phố Cần Thơ chưa đạt kết quả khả quan với tỷ lệ xử lý thành công vi phạm chỉ đạt 44%.


Một số những kết quả nổi bật của chiến dịch (giai đoạn 2017 – 2018) như sau:


• ENV thực hiện khảo sát tại 4.112 cơ sở kinh doanh tại 6 tỉnh thành. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có số lượng cơ sở được khảo sát nhiều nhất (Hà Nội 1.644 cơ sở và thành phố Hồ Chí Minh 1.119 cơ sở)
• Cần Thơ là thành phố có tỷ lệ phần trăm số cơ sở có dấu hiệu vi phạm cao nhất (16%), gấp đôi tỷ lệ này tại Huế và Tp.Hồ Chí Minh. Hà Nội đã đạt được kết quả khả quan với chỉ 11% cơ sở có dấu hiệu vi phạm (giảm đáng kể so với kết quả 21% trong khảo sát giai đoạn 2013 - 2015). Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đạt được kết quả tương đương Hà Nội trong khi tỷ lên này ở Khánh Hòa là khoảng 13%.
• Huế xuất sắc đứng đầu trong công tác xử lý vi phạm về tiêu thụ ĐVHD với 100% cơ sở được phát hiện vi phạm và đã được xử lý thành công. Thành phố Hồ Chí Minh xử lý 82% cơ sở sai phạm, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 69%, Hà Nội 65% và Khánh Hòa 60%. Trong khi đó, cơ quan thực thi pháp luật tại Cần Thơ chưa đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD, chỉ dừng lại ở mức 44%.

Ngoài ra, trong báo cáo gửi đến các địa phương, ENV cũng đánh giá tỷ lệ phản hồi của cơ quan chức năng đối với các vi phạm về ĐVHD được ENV chuyển giao và hiệu quả công tác xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống trong năm 2018.
Mặc dù kết quả của Cần Thơ vẫn còn chưa thực sự thuyết phục nhưng ENV đánh giá cao nỗ lực và sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác thực thi pháp luật và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các địa phương được khảo sát.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV nhận xét: “Huế đã rất xuất sắc khi xử lý thành công 100% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được ENV thông báo. Kết quả 82% của Hồ Chí Minh cũng rất đáng khen ngợi, đặc biệt khi số lượng dấu hiệu vi phạm về ĐVHD ghi nhận tại đây gấp hơn 8 lần số lượng dấu hiệu vi phạm ghi nhận tại Huế. Kết quả của Hồ Chí Minh và Huế là tấm gương cho các địa phương khác noi theo. Điều này cũng cho thấy mục tiêu xử lý thành công 80% - 90% dấu hiệu vi phạm được thông báo là hoàn toàn khả thi.
Từ kết quả đánh giá này, ENV mong muốn UBND các địa phương khác, đặc biệt là Cần Thơ tiếp tục (1) tăng cường hiệu quả công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD trên địa bàn; (2) thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn để đảm bảo không có cơ sở vi phạm hoặc tái diễn hành vi vi phạm. ENV cũng rất mong muốn chính quyền các địa phương sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan kịp thời tiếp nhận và xử lý hiệu quả các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được người dân thông báo đến cơ quan chức năng, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống để góp phần bảo vệ ĐVHD.
Từ năm 2013, ENV đã xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về ĐVHD trên địa bàn các thành phố lớn tại Việt Nam (42 quận, huyện trên địa bàn 9 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng) cũng như đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng số 12.840 cơ sở kinh doanh đã được khảo sát. Các cơ sở kinh doanh được khảo sát bao gồm tất cả nhà hàng, quán rượu (gồm quán karaoke và cửa hàng bán rượu), hiệu thuốc y học cổ truyền, cửa hàng bán thú cảnh, khách sạn và chợ trên một địa bàn nhất định. Sau mỗi đợt khảo sát, ENV thông báo kết quả tới Ủy ban nhân dân mỗi quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh tương ứng kèm theo kiến nghị xử lý các cơ sở vi phạm. Sau khoảng thời gian từ 60 - 90 ngày, ENV sẽ tiến hành khảo sát lần hai các cơ sở kinh doanh có vi phạm trên địa bản các quận, huyện.

Tất cả các thông tin dấu hiệu vi phạm sẽ được lưu giữ trong Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia vi phạm về ĐVHD của ENV với đầy đủ, chi tiết từng diễn biến vụ việc, bao gồm kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng và quá trình giám sát độc lập của ENV.
Báo cáo hiệu quả công tác xử lý vi phạm về tiêu thụ ĐVHD đóng vai trò như một công cụ nhằm cung cấp thông tin tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố về kết quả nỗ lực giảm thiểu vi phạm về ĐVHD tại địa phương, trên tương quan so sánh với các tỉnh thành khác. Báo cáo đồng thời là phương tiện đánh giá hiệu quả phản hồi của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm về ĐVHD, đặc biệt là các vụ việc liên quan tới ĐVHD còn sống do người dân thông báo tới ENV. Đây là một phần của chiến dịch chung nhằm xóa bỏ vi phạm về ĐVHD trên cả nước do ENV thực hiện.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522