Giới thiệu chung

LOÀI HỔ Ở VIỆT NAM

Hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) là loài bản địa của Việt Nam.

Phân loài này cũng được tìm thấy ở Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Trung Quốc.

0Cá thể hổ trong tự nhiên Việt Nam

>3.900Cá thể hổ hoang dã trên thế giới

Thực trạng

Các mối đe dọa

Mất môi trường sống và bị săn bắt trái phép là hai mối đe dọa lớn nhất đối với hổ trong nhiều năm qua. Hổ bị buôn bán chủ yếu để lấy xương làm cao hổ cốt vì nhiều người vẫn còn tin rằng cao hổ có thể chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương, khớp. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của cao hổ. Ngoài ra, hiện nay các sản phẩm từ hổ cũng bị thường xuyên buôn bán để làm trang sức và phục vụ các nhu cầu giải trí khác.

Hơn 30 năm qua, quần thể hổ đã bị suy giảm một cách đáng kể tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Liên minh Bảo tồn Hổ Quốc tế (ITC) ước tính chỉ còn khoảng 3.900 cá thể hổ hoang dã trên thế giới. Theo nhiều nhà khoa học, hổ đã tuyệt chủng về mặt sinh thái ở Việt Nam, các nhà khoa học đã không còn tìm thấy dấu vết của hổ hoang dã trong nhiều năm.

Tuy vậy, hoạt động buôn bán hổ trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam. Tính đến tháng 12/2023, có 385 cá thể hổ đang được nuôi nhốt tại các cơ sở nuôi phi thương mại có đăng ký tại Việt Nam. Trong đó, 310 cá thể đang bị nuôi nhốt tại 16 trang trại và vườn động vật tư nhân và số còn lại đang ở tại các vườn thú và các trung tâm cứu hộ của Nhà nước. Bên cạnh các cơ sở hoạt động hợp pháp, một số ít cơ sở tư nhân có khả năng đang thực hiện hoạt động buôn bán hổ trái phép.

Tính đến hết Qúy 3 năm 2023, ENV ghi nhận 293 vụ vi phạm về hổ, trong đó có 271 vụ quảng cáo, rao bán các sản phẩm từ hổ trên Internet; tiếp nhận chuyển giao 6 cá thể.

 

Pháp luật

Luật pháp bảo vệ Hổ

Hổ được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể hổ đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với từ 06 cá thể hổ trở lên (cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống) đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo khoản 3 Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10 -15 năm tù đối với cá nhân.

Riêng hành vi quảng cáo bán mẫu vật của hổ (cá thể, bộ phận, sản phẩm) được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, hổ còn được liệt kê trong Phụ lục I CITES - Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, việc xuất, nhập khẩu hổ phải có giấy phép do cơ quan quản lý CITES của cả nước xuất và nhập khẩu cấp. 

 

  Ba đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép 7 cá thể hổ con đông lạnh.

 

Biện Pháp

Chiến dịch bảo vệ Hổ của ENV

Hỗ trợ thực thi pháp luật bảo vệ Hổ

Trong nhiều năm qua, ENV đã và đang nỗ lực hợp tác với người dân và hỗ trợ cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng trên cả nước để triệt phá các đường dây buôn lậu hổ cũng như xử lý các vi phạm liên quan đến hổ tại Việt Nam. Ngoài ra, ENV cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng ghi nhận biến động hổ tại các cơ sở gây nuôi có đăng ký để ngăn chặn tình trạng nhập lậu và buôn bán hổ trái phép tại các cơ sở này. Bên cạnh đó, ENV trực tiếp trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin đến các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý các đối tượng buôn bán hổ trái phép.

Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý

ENV tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để nâng cao tính hiệu quả, khắc phục các lỗ hổng pháp lý với mục tiêu bảo vệ hổ tốt hơn tại Việt Nam.

Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ

ENV thường xuyên thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ. ENV đã sản xuất nhiều phim ngắn truyền thông kêu gọi cộng đồng KHÔNG tiêu thụ cao hổ và báo cáo các vi phạm liên quan tới hổ tới các cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 1800 1522. Các phim của ENV thường được phát sóng trên hơn 50 kênh truyền hình trong cả nước.

Ngoài ra, ENV phối hợp với hơn 300 các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp đặt các bảng thông tin về bảo vệ hổ cũng như các loài ĐVHD khác tại lối vào và sảnh chính của trụ sở làm việc. Các tình nguyện viên của ENV cũng treo băng rôn tuyên truyền bảo vệ hổ tại hơn 50 chợ trên cả nước.

Tháng 12/2018, Câu lạc bộ Chạy Tình nguyện Hà Nội (Red River Runners) phối hợp với Công ty Sporting Republic và ENV tổ chức giải “Chạy vì hổ”. Đây là giải chạy bán Ma-ra-tông thường niên lần thứ 12 của Câu lạc bộ Chạy Tình nguyện Hà Nội. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 750 người đến từ 31 quốc gia, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với những nỗ lực nhằm bảo tồn hổ trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chiến Dịch Bảo Vệ Hổ

CÙNG CHUNG TAY BẢO VỆ HỔ

  • Cam kết KHÔNG sử dụng, buôn bán hay tiêu thụ cao hổ và các sản phẩm từ hổ.
  • Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng cao hổ và các sản phẩm khác từ hổ.
  • Thông báo tới đường dây nóng MIỄN PHÍ bảo vệ ĐVHD 1800 1522nếu bạn phát hiện hành vi quảng cáo, buôn bán hổ hay các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam.
  • Tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ hổ cùng ENV. Tìm hiểu thêm về hoạt động tình nguyện và đăng kí tại đây.
  • Ủng hộ tài chính cho các chiến dịch bảo vệ hổ của ENV.

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522